THÔNG BÁO
Viện Đồng Nhân thông báo khai giảng Khoá học PHONG THỦY BÁT TRẠCH VÀ HUYỀN KHÔNG PHI TINH
- KHAI GIẢNG : 16 giờ 30 – Thứ 5 ngày 13- 06- 2019.
- Thời gian học chính thức: 19h-22 giờ tối thứ 5 hàng tuần.
- Anh chị nào đăng ký học vui lòng liên hệ ghi danh.
Hotline: 0995844299
24 sơn hướng trong phong thủy
24 Sơn, 8 Hướng trên la bàn
Hậu thiên Bát quái của Văn Vương được chia làm 8 hướng đều nhau, với mỗi hướng đi liền với một số của Cửu tinh: hướng BẮC (số 1), ĐÔNG BẮC (số 8), ĐÔNG (số 3), ĐÔNG NAM (số 4), NAM (số 9), TÂY NAM (số 2), TÂY (số 7) , TÂY BẮC (số 6). Riêng số 5 vì nằm ở chính giữa (trung cung) nên không có phương hướng. Đem áp đặt Hậu thiên Bát quái lên la bàn gồm 360 độ, thì mỗi hướng (hay mỗi số) sẽ chiếm 45 độ trên la bàn.
Vào thời kỳ phôi phai của học thuật Phong thủy (thời nhà Chu), việc phân chia la bàn thành 8 hướng như vậy đã được kể là quá tinh vi và chính xác. Nhưng sau này, khi bộ môn Phong thủy đã có những bước tiến vượt bậc dưới thời Đường – Tống, khoảng cách 45 độ được xem là quá lớn và sai lệch qúa nhiều. Để cho chính xác hơn, người ta lại chia mỗi hướng ra thành 3 sơn đều nhau, mỗi sơn chiếm 15 độ. Như vậy trên la bàn lúc này đã xuất hiện 24 sơn. Người ta lại dùng 12 Địa Chi, 8 Thiên Can (đúng ra là 10, nhưng 2 Can Mậu-Kỷ được quy về trung cung cho Ngũ Hoàng nên chỉ còn 8 Can) và 4 quẻ Càn – Khôn – Cấn – Tốn mà đặt tên cho 24 sơn như sau:
– Hướng BẮC (số 1): Gồm 3 sơn NHÂM–TÝ-QUÝ
– Hướng ĐÔNG BẮC (số 8): 3 sơn SỬU–CẤN–DẦN
– Hướng ĐÔNG (số 3): 3 sơn GIÁP–MÃO–ẤT
– Hướng ĐÔNG NAM (số 4) 3 sơn THÌN–TỐN–TỴ
– Hướng NAM (số 9): 3 sơn BÍNH–NGỌ–ĐINH
– Hướng TÂY NAM (số 2): 3 sơn MÙI–KHÔN–THÂN
– Hướng TÂY (số 7): 3 sơn CANH–DẬU–TÂN
– Hướng TÂY BẮC (số 6): 3 sơn TUẤT–CÀN–HỢI
Tất cả 24 sơn trên la bàn đều được xếp theo thứ tự từ trái sang phải theo chiều kim đồng hồ. Chẳng hạn như hướng BẮC có 3 sơn là NHÂM-TÝ-QUÝ, sơn NHÂM chiếm 15 độ phía bên trái, sơn TÝ chiếm 15 độ nơi chính giữa hướng BẮC, còn sơn QUÝ thì chiếm 15 độ phía bên phải. Tất cả các sơn khác cũng đều theo thứ tự như thế.
Mỗi sơn được xác định với số độ chính giữa như: sơn NHÂM tại 345 độ; TÝ 360 độ hay 0 độ; QUÝ 15 độ; SỬU 30 độ; CẤN 45 độ; DẦN 60 độ; GIÁP 75 độ; MÃO 90 độ; ẤT 105 độ; THÌN 120 độ; TỐN 135 đô; TỴ 150 độ; BÍNH 165 độ; NGỌ 180 độ; ĐINH 195 độ; MÙI 210 độ; KHÔN 225 độ; THÂN 240 độ; CANH 255 độ; DẬU 270 độ; TÂN 285 độ; TUẤT 300 độ; CÀN 315 độ; HỢI 330 độ;
Phần trên là tọa độ chính giữa của 24 sơn. Từ tọa độ đó người ta có thể tìm ra phạm vi của mỗi sơn chiếm đóng trên la bàn, bằng cách đi ngược sang bên trái, cũng như sang bên phải của tọa độ trung tâm, mỗi bên là 7 độ 5 (vì phạm vi mỗi sơn chỉ có 15 độ). Chẳng hạn như hướng MÙI có tọa độ trung tâm là 210 độ. Nếu đi ngược sang bên trái 7 độ 5 (tức là trừ đi 7 độ 5) thì được 202 độ 5. Sau đó từ tọa độ trung tâm là 210 độ lại đi thuận qua phải 7 độ 5 (tức là cộng thêm 7 độ 5) thì được 217 độ 5. Như vậy phạm vi sơn MÙI sẽ bắt đầu từ 202 độ 5 và chấm dứt tại 217 độ 5 trên la bàn.
Tọa độ của 24 hướng trên la bàn
Chính Hướng và Kiêm Hướng
Một vấn đề làm cho người mới học Phong thủy khá bối rối là thế nào là Chính Hướng và kiêm Hướng? Thật ra, điều này cũng không khó khăn gì cả, vì khi đo hướng nhà (hay hướng mộ) mà nếu thấy hướng nhà (hay hướng mộ đó) nằm tại tọa độ trung tâm của 1 sơn (bất kể là sơn nào) thì đều được coi là Chính Hướng. Còn nếu không đúng với tọa độ tâm điểm của 1 sơn thì được coi là Kiêm Hướng. Kiêm hướng lại chia ra là kiêm bên phải hoặc kiêm bên trái, rồi kiêm nhiều hay kiêm ít. Nếu kiêm bên phải hoặc kiêm bên trái thì hướng nhà không được xem là thuần khí nữa, vì đã lấn sang phạm vi của sơn bên cạnh (điều này sẽ nói rõ hơn trong phần Tam nguyên long). Nói kiêm phải hay kiêm trái là lấy tọa độ tâm điểm của mỗi sơn làm trung tâm mà tính. Chẳng hạn như sơn MÙI có tọa độ trung tâm là 210 độ. Nếu bây giờ 1 căn nhà có hướng là 215 độ thì nhà đó thuộc hướng MÙI (vì sơn MÙI bắt đầu từ khoảng 202 độ 5 và chấm dứt tại 217 độ 5), nhưng kiêm bên phải 5 độ. Nhưng trong thuật ngữ Phong thủy thì người ta lại không nói kiêm phải hoặc trái, mà lại dùng tên của những hướng được kiêm để gọi nhập chung với hướng của ngôi nhà đó. Như trong trường hợp này là nhà hướng MÙI kiêm phải 5 độ, nhưng vì hướng bên phải của hướng MÙI là hướng KHÔN, nên người ta sẽ nói nhà này “hướng MÙI kiêm KHÔN 5 độ” tức là kiêm sang bên phải 5 độ mà thôi.
Riêng với vấn đề kiêm nhiều hay ít thì 1 hướng nếu chỉ lệch sang bên phải hoặc bên trái khoảng 3 độ so với tọa độ tâm điểm của hướng đó thì được coi là kiêm ít, và vẫn còn giữa được thuần khí của hướng. Còn nếu lệch quá 3 độ so với trung tâm của 1 hướng thì được coi là lệch nhiều, nên khí lúc đó không thuần và coi như bị nhận nhiều tạp khí. Những trường hợp này cần được dùng Thế quái (hay số thế, sẽ nói trong 1 dịp khác) để hy vọng đem được vượng khí tới hướng hầu biến hung thành cát mà thôi.
Tam nguyên long
Sau khi đã biết được 24 sơn (hay hướng) thì còn phải biết chúng thuộc về Nguyên nào, và là dương hay âm, để có thể xoay chuyển phi tinh Thuận hay Nghịch khi lập trạch vận. Nguyên này không phải là “Nguyên” chỉ thời gian như đã nói trong “Tam Nguyên Cửu Vận”, mà là chỉ địa khí của long mạch, hay phương hướng của trái đất mà thôi.
Tam nguyên long bao gồm: Địa nguyên long, Thiên nguyên long, và Nhân nguyên long. Mỗi Nguyên bao gồm 8 sơn (hay 8 hướng), trong đó có 4 sơn dương và 4 sơn âm như sau:
– THIÊN NGUYÊN LONG: bao gồm 8 sơn :
* 4 sơn dương: CÀN, KHÔN, CẤN, TỐN.
* 4 sơn âm: TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU.
– ĐỊA NGUYÊN LONG: bao gồm 8 sơn:
* 4 sơn dương: GIÁP, CANH, NHÂM, BÍNH.
* 4 sơn âm: THÌN, TUẤT, SỬU, MÙI.
– NHÂN NGUYÊN LONG: bao gồm 8 sơn:
* 4 sơn dương: DẦN, THÂN, TỴ, HỢI.
* 4 sơn âm: ẤT, TÂN, ĐINH, QUÝ.
Với sự phân định âm hay dương của mỗi hướng như trên, người ta có thể biết được lúc nào phi tinh sẽ đi thuận hoặc đi nghịch khi xoay chuyển chúng theo vòng LƯỢNG THIÊN XÍCH. (điều này sẽ được nói rõ trong phần lập tinh bàn cho trạch vận ở 1 mục khác).
Ngoài ra, nếu nhìn kỹ vào sự phân chia của Tam nguyên Long ta sẽ thấy trong mỗi hướng của Bát quái được chia thành 3 sơn, và bao gồm đủ ba Nguyên: Địa, Thiên và Nhân, theo chiều kim đồng hồ. Thí dụ như hướng BẮC được chia thành 3 sơn là NHÂM-TÝ-QUÝ, với NHÂM thuộc Địa nguyên long, TÝ thuộc Thiên nguyên long, và QUÝ thuộc Nhân nguyên long. Các hướng còn lại cũng đều như thế, nghĩa là Thiên nguyên long ở chính giữa, Địa nguyên long nằm bên phía tay trái, còn Nhân nguyên long thì nằm bên phía tay phải. Từ đó người ta mới phân biệt ra Thiên nguyên long là quẻ Phụ mẫu, Địa nguyên long là Nghịch tử (vì nằm bên tay trái của Thiên nguyên long tức là nghịch chiều xoay chuyển của vạn vật), còn Nhân nguyên long là Thuận tử. Trong 3 nguyên Địa-Thiên-Nhân thì Thiên và Nhân là có thể kiêm được với nhau (vì là giữa phụ mẫu và thuận tử). Còn Địa nguyên long là nghịch tử chỉ có thể đứng 1 mình, không thể kiêm phụ mẫu hay thuận tử. Nếu Địa kiêm Thiên tức là âm dương lẫn lộn (hay âm dương sai thố). Nếu Địa kiêm Nhân thì sẽ bị xuất quái.
– Thí dụ: Nhà hướng MÙI 205 độ. Vì hướng MÙI bắt đầu từ 202 độ 5, nên nhà hướng 205 độ cũng vẫn nằm trong hướng MÙI, nhưng kiêm sang phía bên trái 5 độ, tức là kiêm hướng ĐINH 5 độ. Vì hướng MÙI là thuộc Địa nguyên long (tức Nghịch tử), chỉ có thể lấy chính hướng (210 độ) chứ không thể kiêm, cho nên trường hợp này là bị phạm xuất quái, chủ tai họa, bần tiện. Ngược lại, nếu 1 căn nhà có hướng là 185 độ, tức là hướng NGỌ kiêm ĐINH 5 độ. Vì NGỌ là quẻ Phụ mẫu, kiêm sang bên phải tức là kiêm Thuận tử nên nhà như thế vẫn tốt chứ không xấu. Đây là 1 trong những yếu tố căn bản và quan trọng của Huyền không Học, cần phải biết và phân biệt rõ ràng. Có như vậy mới biết được tuy 2 nhà cùng 1 trạch vận, nhưng nhà thì làm ăn khá, mọi người sang trọng, có khí phách, còn nhà thì bình thường, con người cũng chỉ nhỏ mọn, tầm thường mà thôi. Cho nên sự quý, tiện của 1 căn nhà phần lớn là do có biết chọn đúng hướng hoặc biết kiêm hướng hay không mà ra. Những điều này sẽ được nói rõ hơn trong phần Lập hướng và Kiêm hướng.